Cơ thể co cứng như gỗ do nhiễm vi khuẩn uốn ván

Thứ sáu - 28/10/2022 22:03
Sau 5 ngày bị cọc nhọn đâm vào bàn chân trái, người đàn ông 66 tuổi bị cứng hàm không há được miệng, không thể ăn uống, ho khạc.
Vết thương ở bàn chân khiến bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn uốn ván. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Vết thương ở bàn chân khiến bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn uốn ván. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Bệnh tiến triển rất nhanh, ông co cứng toàn thân và xuất hiện các cơn co giật, được người nhà đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình cấp cứu.

Ngày 28/10, TS.BS. Hoàng Công Tình, Trưởng khoa Hồi sức tích cực 1, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, cho biết bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tím tái toàn thân, sắp ngừng thở, người cứng như khúc gỗ, hai hàm răng cắn chặt, không nuốt, không ho khạc được, không đặt được ống nội khí quản, co giật toàn thân.

"Bệnh nhân tình trạng nguy kịch phải mở khí quản cấp cứu, thở máy, dùng thuốc an thần, giãn cơ, chăm sóc tích cực", bác sĩ Tình nói.

Trong tuần đầu nhập viện, gia đình nhiều lần xin cho bệnh nhân thôi điều trị vì lo ngại tử vong ở bệnh viện, không kịp đưa về nhà. Tuy nhiên, với kinh nghiệm điều trị bệnh uốn ván, các bác sĩ động viên, thuyết phục người nhà để bệnh nhân ở lại viện điều trị vì "cơ hội sống sót vẫn còn" mặc dù quá trình sẽ rất khó khăn và kéo dài.

Sau một tháng thở máy, lọc máu, dùng thuốc trung hòa độc tố uốn ván, tập phục hồi chức năng, sức khỏe của bệnh nhân hồi phục dần. Hiện ông cai máy thở, rút ống mở khí quản, ăn uống và đi lại được, đủ điều kiện xuất viện.

Theo Cục Y tế dự phòng, uốn ván (tetanus) là bệnh cấp tính do ngoại độc tố (tetanus exotoxin) của vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí. Các triệu chứng của bệnh là những cơn co cứng cơ kèm theo đau, trước tiên là cứng cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy và sau đó là cơ thân.

Vi khuẩn uốn ván có mặt ở mọi nơi. Vùng nông nghiệp và những nơi phải tiếp xúc với chất thải của súc vật và không được tiêm phòng đầy đủ, bệnh uốn ván thường gặp nhiều hơn. Tất cả lứa tuổi đều có thể mắc bệnh. Nhóm nguy cơ cao mắc bệnh gồm nông dân, nhân viên chăn nuôi gia súc, nghiện chích ma túy.

Trẻ sơ sinh có thể mắc uốn ván do nha bào uốn ván xâm nhập qua dây rốn nếu được cắt rốn bằng dụng cụ bẩn; hoặc sau khi sinh không được chăm sóc rốn sạch sẽ, băng đầu rốn bị cắt không vô khuẩn.

Thời gian ủ bệnh thường 3-21 ngày, có thể từ một ngày đến vài tháng, phụ thuộc vào đặc điểm, độ lớn và vị trí vết thương. Hầu hết trường hợp bệnh xuất hiện trong vòng 14 ngày kể từ khi nhiễm vi khuẩn uốn ván. Vết thương bị nhiễm bẩn nặng thì thời gian ủ bệnh ngắn hơn và bệnh cũng nặng hơn.

Uốn ván là bệnh nguy hiểm do thời gian điều trị kéo dài, có thể vài tuần đến vài tháng, chi phí điều trị rất tốn kém. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhân nguy cơ cao tử vong do suy hô hấp, ngừng tim đột ngột, nhiễm trùng toàn thân, xuất huyết.

Hiện, tiêm huyết thanh phòng uốn ván (SAT) là biện pháp đơn giản và hiệu quả phòng ngừa bệnh khi có vết thương ngoài da.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
Gửi phản hồi